"Mổ xẻ" lực lượng tàu hộ vệ đông đảo nhất của Trung Quốc

Type 054 là chương trình tàu hộ vệ được phát triển với tốc độ nhanh nhất và số lượng đông đảo nhất của Trung Quốc.

Bên cạnh việc phát triển các tàu khu trục hạng nặng cho tham vọng xây dựng lực lượng “hải quân viễn dương” (lực lượng hải quân có khả năng tác chiến xa bờ hàng ngàn km), Trung Quốc còn phát triển hàng loạt các tàu hộ vệ nhằm phục vụ mưu đồ bành trướng trên Biển Đông.

Một trong những chương trình tàu hộ vệ được phát triển với tốc độ nhanh nhất, số lượng đóng mới nhiều nhất là chương trình tàu hộ vệ Type 054, NATO định danh thuộc lớp Giang Khải I. Type 054được phát triển từ tàu hộ vệ Type 053H3.

Tàu khu trục  nhỏ Type-054 đời đầu mang số hiệu 525 Mã An Sơn.

Tàu hộ vệ Type 054 đời đầu mang số hiệu 525 Mã An Sơn.

Chương trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong Hải quân Trung Quốc từ năm 2000. Hai chiếc đã được chế tạo mang số hiệu 525 Mã An Sơn và 526 Ôn Châu. Tàu có thiết kế thủy động lực học khá hiện đại theo xu hướng tàng hình đang thịnh hành.

Nhìn chung Type 054 có nhiều điểm tương đồng về thiết kế so với tàu hộ vệ lớp La Fayette của Pháp. Hai bên mạn tàu được thiết kế khá dốc nhằm làm giảm mặt cắt radar, cấu trúc thượng tầng được làm bằng hợp kim nhôm để giảm trọng lượng.

Type 054 cũng trang bị khá nhiều thiết bị điện tử như La Fayette, theo công nghệ mà Pháp đã chuyển giao cho Trung Quốc trong những năm 1980. Tàu được trang bị pháo chính 100mm, sau tháp pháo được trang bị hệ thống tên lửa hải đối không tầm thấp HQ-7 sao chép từ tên lửa Crotale của Pháp.

Vũ khí chủ lực của Type 054 là 8 tên lửa chống hạm YJ-83 tầm bắn khoảng 200km, hệ thống phòng thủ tầm gần được trang bị 4 pháo bắn nhanh AK-630. Hệ thống điện tử trên tàu sử dụng lai tạp giữa Nga và Pháp.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đã nhanh chóng nhận ra những hạn chế của Type 054 nên trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt, Type 054 đã được sửa đổi và cải tiến thành Type 054A với nhiều cải tiến về hệ thống cảm biến và vũ khí.

Tàu khu trục nhỏ Type-054A cải tiến, vị trí của hệ thống tên lửa HQ-7 đã được thay thế bằng các hệ thống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa HQ-16 với tầm bắn xa hơn.

Tàu hộ vệ Type 054A cải tiến, vị trí của hệ thống tên lửa HQ-7 đã được thay thế bằng các hệ thống phóng thẳng đứng sử dụng tên lửa HQ-16 với tầm bắn xa hơn.

Type 054A được NATO định danh thuộc lớp Giang Khải II, chiếc đầu tiên của chương trình Type 054A được đưa vào sử dụng trongHải quân Trung Quốc từ năm 2007. Type 054A có thiết kế bên ngoài tương tự như Type 054 nhưng có hệ thống cảm biến và vũ khí mạnh hơn.

Về vũ khí, hệ thống tên lửa hải đối không tầm thấp HQ-7 được thay thế bằng hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-16, sao chép từ hệ thống phòng không tầm trung Buk của Nga. Hệ thống được bố trí trong các ống phóng thẳng đứng VLS phía sau pháo chính.

Mỗi tàu được trang bị 32 ống phóng thẳng đứng, tên lửa được khởi động theo phương pháp phóng nóng tương tự như hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 của Mỹ. HQ-16 có phạm vi tác chiến khoảng 50km, đây được xem là bước đột phá mới về hỏa lực phòng không so với Type 054.

Pháo hạm 100mm được thay thế bằng pháo hạm đa năng H/PJ26 76mm, loại pháo hạm này có tốc độ bắn nhanh hơn và độ tin cậy cao hơn so với pháo 100mm. Hệ thống phòng thủ tầm cực gần 4 pháo bắn nhanh AK-630 được thay thế bằng 2 hệ thống Type 730 do Trung Quốc sản xuất.

Type 054A vẫn sử dụng tên lửa chống hạm YJ-83 như cũ, tàu được trang bị 2 cụm phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm, 2 hệ thống rocket chống ngầm Type 87 240mm. 2 hệ thống phóng mồi bẫy Type 726, đuôi tàu có sàn đáp cho 1 trực thăng chống ngầm Z-9C.

Hệ thống điện tử trên Type 054A có nhiều cải tiến so với trước, phía trên đỉnh cột buồm được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu Type 382. Đây là một loại radar tìm kiếm mục tiêu 3D với 2 mảng an-ten được bố trí lệch nhau, mỗi mảng an-ten cung cấp phạm vi giám sát 180 độ.

Tàu khu trục nhỏ Type-054A mang số hiệu 569 Ngọc Lâm đang phóng tên lửa phòng không HQ-16 trong một cuộc tập trận.

Tàu hộ vệ Type 054A mang số hiệu 569 Ngọc Lâm đang phóng tên lửa phòng không HQ-16 trong một cuộc tập trận.

Radar Type 382 có thiết kế tương tự như radar MR 760 Top Plate của Nga. Theo công bố của Trung Quốc, radar Type 382 có thể phát hiện 50 mục tiêu và theo dõi 10 mục tiêu cùng lúc. Phạm vi tìm kiếm mục tiêu của radar này vẫn chưa được tiết lộ.

Phía trên tháp chỉ huy được trang bị radar điều khiển hỏa lực Type 344 sao chép từ radar Mineral-ME của Nga. Cột buồm phía sau được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước Type 360, phạm vi tìm kiếm mục tiêu của radar này cũng khá mập mờ và chưa có con số cụ thể.

Type 054A được trang bị hệ thống dữ liệu chiến đấu ZKJ-4B/6 phát triển từ hệ thống Thomson-CSF TAVITAC của Pháp, hệ thống liên kết dữ liệu HN-900 tương đương hệ thống link-11 của NATO, hệ thống liên lạc vệ tinh nâng cấp từ hệ thống SNTI-240 SATCOM.

Sức mạnh chiến đấu của Type 054A vẫn còn là một ẩn số nhưng chương trình tàu hộ vệ này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới quân sự nước ngoài, bởi nó được đóng mới với tốc độ “chóng mặt”. Từ khi chiếc tàu hộ vệ Type 054A đầu tiên đi vào hoạt động trong năm 2007 đến nay, đã có 15 chiếc được đóng mới và đưa vào trang bị.

Trung bình mỗi năm Trung Quốc đóng mới tới 2,5 chiếc tàu Type 054A, đây có thể coi là tốc độ đóng mới tàu chiến nhanh chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Dự kiến, Trung Quốc sẽ đóng mới khoảng 20 chiếc Type 054A. Với tốc độ đóng mới “chóng mặt” như thế này, đến năm 2015 Hải quân Trung Quốc sẽ có đủ trong biên chế 20 chiếc tàu hộ vệ Type 054A.

Điều đáng chú ý hơn là trong 15 chiếc được đưa vào sử dụng, có đến 8 chiếc được biên chế cho Hạm đội Nam Hải phụ trách Biển Đông. Việc biên chế số lượng lớn tàu hộ vệ Type 054A cho thấy mưu đồ của Trung Quốc trong việc độc chiếm Biển Đông ngày càng lộ rõ.

Theo Trí Thức Trẻ