Trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, thỉnh thoảng lại có sự bùng nổ trên cơ sở tính vạn năng. Chẳng hạn, người ta đã cho ra đời các máy bay tiêm kích-bom. Những người sùng bái tính vạn năng cũng không bỏ qua hạm đội mặc dù những thí nghiệm đầu tiên không hoàn toàn thành công.
Tàu ngầm X1 của Anh đưa vào sử dụng năm 1925, có vũ khí rất đáng gờm so với các tàu cùng loại. Đó là 6 ống phóng lôi và 4 pháo 132 mm. Năm 1929, người Pháp hạ thủy tàu ngầm Surcouf trang bị 12 (!) ống phóng lôi và 2 pháo 203 mm, chưa tính pháo phòng không “tẹp nhẹp”.
Tuy nhiên, cả 2 thiết kế có tính cách mạng này lại không thành công, dù chỉ là vì các chiến hạm nổi đánh nhau bằng pháo với các chiến hạm nổi khác thì tiện lợi hơn, còn các tàu ngầm thì phải dùng ngư lôi và không được lọt vào tầm mắt đối phương. Kết quả là năm 1930, tàu ngầm X1 bị cho làm sắt vụn, còn Surcouf vào năm 1942 thì chìm xuống đáy biển.
Người Anh từ trước khi cắt bỏ tàu ngầm của mình đã từ bỏ ý tưởng tàu nổi kiêm tàu ngầm. Người Pháp cũng không phát triển khái niệm này, nhưng chỉ là tạm thời.
SMX-25: Frigate biết lặn
Từ giữa những năm 2000, từ các nguồn khác nhau đã bắt đầu xuất hiện thông tin Pháp dự định trở lại với khái niệm tàu nổi-tàu ngầm, có điều chỉnh cho phù hợp với các công nghệ hiện nay. Tất cả vẫn chỉ là tin đồn cho đến triển lãm Euronaval-2010 khi hãng DCNS (Pháp) giới thiệu maket con tàu “lai” của mình với tên gọi SMX-25 (>> Xem Chiến hạm thế kỷ 21: SMX-25, tàu nổi biết lặn).
|
SMX-25
|
Chiến hạm thần kỳ này dài gần 110 m và có lượng giãn nước khi lặn khoảng 3.000 tấn, theo ý tưởng của các nhà thiết kế, sẽ kết hợp trong mình tất cả những phẩm chất tốt nhất của tàu nổi và tàu ngầm. Những thông số được nêu ra đó xem ra khá thực tế.
Các công trình sư khẳng định rằng, hệ thống động cơ turbine khí mạnh mẽ mới với 3 ống phụt nước sẽ giúp SMX-25 đạt tốc độ đến 35-38 hải lý/h khi chạy nổi (ở mức tàu nổi hiện đại) và đến 10 hải lý/h khi lặn (kém hơn nhiều tàu ngầm hiện đại). Cự ly hành trình nêu ra là 2.000 hải lý.
Năm 2011, tại triển lãm LIMA-2011 ở Malaysia, Pháp đã công bố các thông số mới của tàu. Các tính năng tốc độ, hành trình vẫn thế, chỉ có lượng giãn nước là thay đổi: gần 2.850 khi chạy nổi và 4.500 tấn khi chạy ngầm.
Ngoại hình SMX-25 rất, rất tiên tiến. Nó kết hợp một thân tàu thuôn mảnh giúp chạy ngầm dễ dàng và một phần thượng tầng lớn. Trong phần thượng tầng bố trí đài chỉ huy, tất cả anten cần thiết của các hệ thống, cũng như các bệ phóng tên lửa với số lượng 16 bệ.
Theo DCNS, trong các giếng phóng thẳng đứng có thể bố trí cả tên lửa phòng không lẫn tên lửa chống hạm, tùy thuộc yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, danh mục vũ khí có thể lựa chọn cho tàu hiện chưa được công bố. Chắc là DCNS vẫn chưa xác định được danh sách này, mặc dù điều đó có thể ám chỉ là tàu này tương thích với tất cả các loại tên lửa hiện có. Người ta cũng không quên loại vũ khí kinh điển của tàu ngầm vì thế ở mũi SMX-25 có bố trí 4 ống phỏng lôi.
|
SMX-25
|
Về mặt chiến thuật, DCNS cho rằng, tàu của họ sẽ nắm giữ thị phần tàu frigate và tàu săn ngầm. Đồng thời, có thể sử dụng SMX-25 để vận chuyển lực lượng đổ bộ, dù chỉ là 10 người trang bị đầy đủ. Trong trường hợp đó, tàu sẽ phải tiếp cận bờ biển ở mức gần nhất có thể và lúc đó khả năng tàng hình radar của tàu là rất hữu dụng.
Các đường bao đặc thù của phần thượng tầng chính là nhằm bảo đảm độ bộc lộ thấp cho tàu. Ngoài nhiệm vụ tuần tra hay tấn công tàu địch, SMX-25 có thể tiến hành trinh sát: để làm việc đó, có thể sử dụng các máy bay không người lái (UAV) phóng từ tàu. Tuy nhiên, con số chính xác UAV và chủng loại UAV có thể sử dụng chưa được tiết lộ.
Hiện tại, chưa có nước nào quan tâm đến thiết kế SMX-25 đến mức ký hợp đồng. DCNS thì ngay từ khi giới thiệu con tàu với công chúng luôn nói về giá cả tương đối thấp của SMX-25. Một là ở tàu này ứng dụng những công nghệ mà công nghiệp đã làm chủ chứ không phải các công nghệ trên trời. Hai là một frigate kiêm tàu ngầm sẽ rẻ hơn là 1 frigate riêng biệt và 1 tàu ngầm riêng biệt. Tuy nhiên, những tính toán của DCNS xem ra chưa thật thuyết phục.
Chiến hạm chạy điện ADVANSEA
Cũng tại triển lãm Euronaval-2010, DCNS còn giới thiệu một thiết kế tàu chiến tiên tiến nữa là ADVANSEA (ADVanced All-electric Networked ship for SEA dominance - tàu chiến giành ưu thế trên biển tiên tiến chạy điện hoàn toàn).
Thoạt nhìn, đây là chiến hạm hiện đại thông thường với hình dáng bên ngoài kiểu tàng hình, nhưng điều thú vị nhất của nó lại ở bên trong.
Việc sử dụng rộng rãi trong hạm đội các hệ thống chạy điện từ lâu chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Vì thế mà con tàu dài 120 m và có lượng giãn nước 4.500 tấn này sẽ chuyển động bằng các động cơ điện. Tuy nhiên, chúng sẽ được cấp nguồn không phải từ máy phát điện đấu với một động cơ turbine khí chẳng hạn, mà là từ các acquy.
Chắc chắn đó sẽ là các acquy với chất điện phân polymer rắn, mặc dù cho đến lúc đóng tàu thì chủng loại acquy cũng có thể thay đổi. Ngoài ra, không loại trừ khả năng các acquy dù là tiên tiến gấp 3 lần sẽ bị loại bỏ để thay bằng các động cơ cũ quen thuộc với các máy phát.
DCNS đã công bố một tàu chiến chạy điện ví dụ tiêu thụ khoảng 20 MW. Xuất phát từ con số này thì các acquy không phải là phương án động cơ thật thực tế. Chả lẽ người Pháp sẽ làm được cú đột phá nào đó trong khoa học và công nghệ hay như họ cam kết là sẽ sử dụng hiện tượng siêu dẫn trong các động cơ.
|
Tàu chiến chạy điện ADVANSEA
|
Bề ngoài của ADVANSEA, cũng giống như SMX-25, có dáng vẻ rất tiên tiến, nhưng quen mắt hơn, mặc dù thân tàu và phần thượng tầng cũng làm theo kiểu các mặt phẳng giao nhau để giảm độ bộc lộ radar. Ít nhất thì về hình dáng có thể nói ngay ADVANSEA là một tàu chiến nổi. Dù cho mũi của tàu này có hình dáng đặc thù mà theo các công trình sư là giúp cải thiện các tính năng vận hành đi biển và cho phép tăng tốc tàu (thiết kế sơ bộ) lên đến 28-30 hải lý/h.
Về chức năng, ADVANSEA là tàu frigate và được trang bị vũ khí tương ứng. Trong phần thượng tầng bố trí các giếng phóng tên lửa các loại và một hangar nhỏ chứa các UAV với một thanh máy để đưa UAV lên sân cất cánh phía trên nóc phần thượng tầng.
Trên đuôi tàu còn có một sân cất cánh cỡ nhỏ nữa dùng cho các trực thăng và máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng nếu khách hàng có các máy bay này.
Nhưng điều thú vị nhất là “pháo” của ADVANSEA. Không phải ngẫu nhiên “pháo” lại được đặt trong ngoặc kép vì trên tàu không có vũ khí có nòng quen thuộc, trừ vũ khí cá nhân của thủy thủ đoàn.
Các kỹ sư của DCNS dự định lắp lên ADVANSEA các thiết bị laser để làm pháo và súng máy phòng không, và pháo điện từ làm vũ khí tầm xa.
Cụ thể là loại pháo nào, pháo Gauss hay pháo ray thì họ chưa nói. DCNS cho hay, các loại “pháo” đó sẽ cho phép đưa lên tàu nhiều đạn hơn, bởi lẽ các máy gia tốc điện từ chiến đấu không cần thuốc súng, nên đạn của nó có cùng hiệu quả, nhưng nhỏ gọn hơn nhiều.
Còn các pháo laser thì ngoài nguồn điện ra chẳng cần gì. Chỉ có điều tất cả những vũ khí cần lượng điện năng tiêu hao khổng lồ. Liệu các động cơ của tàu có đáp ứng nổi chúng không vẫn là câu hỏi lớn.
Trên cái phông đó, những vũ khí trang bị khác mà nhà thiết kế hứa hẹn như radar đa năng, hệ thống điều khiển vũ khí thống nhất, hệ thống tác chiến điện tử mới và các “đồ đạc” khác của con tàu không có gì nổi bật. Trong khi tất cả những trang bị này có ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng thực tế của dự án. Nhưng rõ ràng là DCNS quyết định thu hút khách hàng tiềm năng bằng những thứ hiện tại còn xa vời.
Để đạt được những kết quả dự định, nhà thiết phải giải quyết cả nhóm nhiệm vụ mà theo DCNS xác định là:
- Động cơ. Với kích thước nhỏ, nó phải có công suất lớn. Để làm được việc đó, các kỹ sư dự định ứng dụng các công nghệ mới, kể cả những công nghệ hiện chỉ gặp trong điều kiện phòng thí nghiệm.
- Thiết bị năng lượng. Các acquy phải có dung tích và công suất phù hợp, điều dặc biệt quan trọng nếu xét đến các loại vũ khí trang bị cho tàu được công bố.
- Hệ thống điều khiển mới. ADVANSEA có cấu trúc các hệ thống trên tàu cực kỳ cách tân, nên đòi hỏi cách tiếp cận không kém mới đối với vấn đề tự động hóa và điều khiển nó. Các nhà thiết kế tàu cho rằng, đây sẽ là nhiệm vụ đơn giản nhất trong các nhiệm vụ đặt ra cho họ.
Trước những khó khăn mà ADVANSEA vấp phải, cần lưu ý một điều là trong vài năm gần đây đã đạt được tiến bộ nhất định trong lĩnh vực thiết bị laser hạm tàu. Tuy nhiên, với pháo ray điện từ và các thiết bị điện từ khác, tình hình tồi tệ hơn. Các thử nghiệm đầu tiên đối với pháo ray bố trí trên tàu được ấn định vào tận năm 2018. Liệu Pháp có kịp có được các vũ khí như vậy đúng hạn cần thiết hay không?
Bao giờ?
Với tính mới ở trình độ cao của cả hai thiết kế tàu chiến SMX-25 và ADVANSEA, không thể không thừa nhận là chúng thu hút sự quan tâm nhất định của những nước muốn có hạm đội hiện đại, song không có khả tự lực xây dựng nó. Tuy nhiên, cả ADVANSEA và SMX-25 đều không phải ngày một ngày hai được đưa vào được dù là thử nghiệm.
Bằng cách thích ứng với các công nghệ hiện có, tàu frigate biết lặn có thể được đóng xong vào năm 2015-17. Còn tàu ADVANSEA đầu tiên với đầy đủ thành phần trang bị dù là theo những dự báo lạc quan nhất cũng không thể hạ thủy trước năm 2020. Bản thân DCNS dự định làm được điều đó vào năm 2025. Nhưng để kịp với thời hạn đó, nhà thiết kế sẽ phải giải quyết không chỉ một nhiệm vụ. Mặc dù, cần lưu ý là DCNS hiện còn có đủ thời gian để giải quyết tốt đẹp mọi vấn đề.
Theo vietnamDefence.com
|