Vigilant: tàu chiến không người lái siêu hạng của Singapore

Tàu tuần tra không người lái Vigilant đạt tốc độ cao 30 hải lý/h, bơi xa 3.000km, có thể săn tìm tàu ngầm.

Vigilant là tên gọi lớp tàu tuần tra cao tốc không người lái USV do Công ty Zycraft, Singapore nghiên cứu phát triển, dùng cho công tác đảm bảo an ninh ven biển và hàng hải dọc theo vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Ngoài vai trò giám sát hàng hải, Vigilant còn có vai trò khác như tìm kiếm cứu nạn (SAR), hậu cần hàng hải và dùng trong mục đích quốc phòng như chống tàu ngầm.
Giai đoạn 1 phát triển cũng như nghiệm thu của Vigilant đã được hoàn thành, các hợp đồng mua sắm lớp tàu này cũng đã được ký kết trong tháng 9 năm nay. Chiếc đầu tiên thuộc lớp Vigilant - LongRunner đã trải qua hơn 24 tháng thử nghiệm khả năng của mình xung quanh vùng biển ven bờ của Singapore và thực hiện bơi trên 2.000 hải lý.
 Tàu tuần tra không người lái tiên tiến lớp Vigilant.
Tàu tuần tra cao tốc không người lái Vigilant có chiều dài 16,5m và chiều ngang 3,6 m, lượng giãn nước khoảng 13 tấn. Tàu có thể mang theo được 7 tấn hàng hóa và nhiên liệu phục vụ trong các nhiệm vụ dài ngày.
Tàu được chế tạo bằng vật liệu composite tiên tiến được gọi là Arovex, giúp nó có trọng lượng nhẹ và chỉ cần dùng động cơ có công suất thấp nhưng vẫn có thể đạt được tốc độ yêu cầu. Phần thân tàu được gia cố bằng ống carbon nano giúp tàu có khả năng chịu đựng cũng như sự bền bỉ. Trọng lượng nhẹ cũng giúp con tàu tăng được tải trọng cũng như dự trữ nhiên liệu tăng cường phạm vi hoạt động.
Về mặt động lực, Vigilant được trang bị 2 động cơ diesel Yanmar có công suất 960 mã lực với 5,5 tấn nhiên liệu, tốc độ tối đa đạt được là 30 hải lý/h, tầm hoạt động tới 3.000km và có thể hoạt động liên tục 30 ngày trên biển.
Đặc biệt, Vigilant là thế hệ tàu không người lái đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống cân bằng Seakeeper con quay hồi chuyển. Hệ thống này cung cấp đặc điểm địa hình thời tiết trên biển cũng như tốc độ cần thiết của con tàu giúp nó có thể hoạt động trên biển với thời gian dài.
 Vigilant có thể đạt tốc độ tối đa tới 30 hải lý/h, tầm hoạt động 3.000km.
Đối với hệ thống điện tử hỗ trợ hoạt động giám sát biển, Vigilant có thể tích hợp nhiều loại khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng. Các hệ thống có thể trang bị thường gồm: hệ thống tự động nhận dạng (AIS); hệ thống trinh sát quang điện (EO); radar; hệ thống đối kháng điện tử (ESM). Dữ liệu được thu thập bởi tàu Vigilant sẽ được truyền về hệ thống chỉ huy thông qua các qua trạm thông tin cơ sở SATCOM.
Với biến thể cứu hộ cứu nạn (SAR), Vigilant thường được tích hợp radar, hệ thống trinh sát quang – điện, hệ thống định vị. Còn với biến thể săn ngầm, con tàu sẽ có hệ thống định vị thủy âm thụ động kéo rê.
Các biến thể dùng để tuần tra hay giám sát khu vực cảng được trang bị hệ thống định vị thủy âm, radar và hệ thống quang điện (EO), cũng như cảm biến cho tìm kiếm, theo dõi và xác định các đối tượng dưới nước.
Tàu tuần tra không người lái lớp Vigilant được chế tạo theo phương thức module nên nhà sản xuất có thể linh hoạt thay đổi các thành phần module theo yêu cầu riêng của khách hàng. Thậm chí, Vigilant có thể thay thế các module đã lắp sẵn bằng các module khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ một cách dễ dàng.
Vigilant có thể làm nhiệm vụ săn tìm tàu ngầm. 
Để điều khiển tàu, tương tự các hệ thống máy bay không người lái (UAV), hệ thống tàu tuần tra không người lái Vigilant cũng sử dụng trạm điều khiển đặt trên đất liền. Hoặc khác biệt hơn so với UAV đó là việc trạm điều khiển có thể đặt trên tàu chiến khác.
Vigilant được điều khiển thông qua hệ thống thông tin vệ tinh và có thể được vận hành từ bất cứ nơi nào trên thế giới.
Các kế hoạch cũng như nhiệm vụ hay tuyến hải trình của tàu được chuẩn bị tại các trạm điều khiển trung tâm. Hệ thống cảm biến được trang bị trên tàu cho phép nhân viên vận hành có thể phát hiện được bất kỳ tình huống nào xảy ra xung quanh thân tàu.
Với kích thước nhỏ gọn và có nhiều tính năng phù hơp cho việc hoạt động trên biển cho phép tàu có thể tiến hành các nhiệm vụ gần bờ lẫn xa bờ. Tàu có thể hoạt động ngay cả trong môi trường khắc nghiệt cũng như từng vùng biển của mỗi quốc gia khác nhau.
 
Theo kienthuc.net.vn